Trọng lượng, kích thước và màu sắc đá cẩm thạch:
Sản phẩm cẩm thạch càng lớn thì giá trị càng cao. Nếu cẩm thạch đạt chất lượng quý thì các nơi chế tác sẽ cắt thành những lớp mỏng, bề dày lớp đá vừa đủ để ưu tiên mài các vòng đeo tay, phần còn dư sẽ làm các sản phẩm khác để tận dụng hết khối đá.
- Màu sắc:
Màu có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong định giá cẩm thạch. Màu jadeite khá đa dạng (xem hình 1): không màu, trắng, xám, xanh lá, vàng, cam, tím, đen… Độ màu từ nhạt đến đậm hoặc sẫm tối. Màu jadeite thường phân bố không đều, thành dạng đốm nhỏ hay lớn, đá thường có từ 2 màu trở lên, loại thuần một màu và phân bố đều thì rất hiếm. Thị trường hay dùng màu của các vật sẵn có để gọi màu đá quý giúp người tiêu dùng dễ hình dung như màu lục emerald, lý tươi, lý đậu, màu dầu, màu môn…
Hình 1: màu cẩm thạch rất đa dạng, từ phía trong ra ngoài có các màu: xanh vàng, tím nhạt, trắng, đen, cam và xanh lá.
Màu jadeite được ưa chuộng hiện nay là màu xanh lá, thị trường Việt Nam gọi là màu lý, màu lục càng nhạt thì càng giảm giá trị. Có giá trị cao nhất là màu lục emerald (giống màu của đá emerald), đó là màu lục mạnh và tươi (xem hình 2). Jadeite màu này và có độ trong suốt cao thì gọi là jadeite hoàng tộc, là loại jadeite có giá trị cao nhất và cực kỳ hiếm. Các màu lục khác sẽ nhạt hơn, nhưng dễ tìm hơn, đó là màu lục táo, lục đậu giống màu vỏ trái táo và vỏ đậu.
Hình 2: Đá cẩm thạch hầu hết là đục, rất ít đá là bán trong. Trong hình ba viên bên trái thì đục, kế đó là viên trong mờ và viên ngoài cùng bên phải là trong nhất
- Độ trong suốt và kiến trúc đá:
Yếu tố này cùng với màu quyết định vẻ đẹp của cẩm thạch. Thông thường cẩm thạch không bao giờ trong suốt bằng các đá quý đơn khoáng khác như kim cương, ruby. Vì đá cấu tạo bởi vi hạt, vi sợi nên cẩm thạch hầu hết là chắn sáng (không cho ánh sáng đi qua đá), một số thì trong mờ và cao nhất là bán trong (nửa trong suốt), nhưng loại này thì rất hiếm.
Hình 3: Cặp vòng đeo tay jadeite này thuộc loại cực hiếm. Cả hai có đường kính trong là 53,4 mm và dày 9,6-9,7 mm. Chúng gần như không màu và có các đốm màu lục emerald. Đặc biệt độ trong rất cao, nên chúng gọi là jadeite kính. Chúng đã được bán với giá 116.600 đô Mỹ tại phiên đấu giá do Christie tổ chức tại Hong Kong vào tháng 11 năm 1999.
Kích thước và tính đồng đều của các vi hạt ảnh hưởng đến độ trong suốt. Nhiều đá có hạt vừa và thô làm đá dễ bị đục, ngược lại các hạt cực nhỏ và đồng nhất thì đá sẽ trong hơn. Trên thị trường, cẩm thạch có độ trong cao thì gọi là cẩm thạch kính (hình 3). Về mặt giá trị, cẩm thạch càng trong thì giá trị càng cao.
Tạp chất: Tạp chất trong đá cẩm thạch là hàm lượng các vật chất không phải là các khoáng của đá cẩm thạch (jadeite hoặc nepherite). Đặc điểm này không thể xác định bằng mắt thường, tuy nhiên chúng ta có thể cảm nhận qua độ trong, màu sắc của đá. Cẩm thạch càng thuần chất (hàm lượng khoáng jadeite hoặc nepherite trong đá cao) thì đá sẽ trong hơn, màu sẽ đều hơn (hình 4). Một số tạp chất có màu nâu, xám và đen làm giảm vẻ đẹp của đá và dĩ nhiên làm giảm giá trị của chúng. Để xác định đá có phải là cẩm thạch hay không, là jadeite hay nepherite thì có thể dùng các phương pháp đo tỷ trọng và phương pháp phổ hấp thu.
Hình 4: Đá cẩm thạch là đá đa khoáng, có nhiều tạp chất nên hầu hết không đều màu. Hình cho thấy mức độ đều màu tăng dần từ phải qua trái.
- Độ rạn nứt:
Bao gồm các vi lỗ rỗng và khe nứt. Ranh giới các vi hạt và sợi trong cẩm thạch tạo nên các vi lỗ rỗng. Các khe nứt được tạo ra do các lực nén ép tự nhiên sau khi đá hình thành. Quá trình chế tác hoặc va chạm khi đeo cũng có thể tạo nên những khe nứt nhỏ hay lớn. Các khe nứt do quá trình tự nhiên thường có vật chất lấp đầy, đây là một dạng tạp chất thường có màu sắc khác hẵn đá gốc làm đá không đều màu. Các vi lỗ rỗng ít ảnh hưởng đến độ bền của đá, nhưng các rạn nứt thì có thể ảnh hưởng. Đá cẩm thạch rất dai chắc, khó bị mẻ, bể, nhưng nếu đá có những khe nứt lớn thì khi va chạm mạnh, đá sẽ bị tách và bể theo những khe nứt này (các vòng đeo tay là dễ bị va chạm nhất). Tuy nhiên khi chế tác, chất keo hay sáp phủ lên che lấp tất cả các vi khe nứt, người mua không thể nhìn thấy chúng dù xem với lúp tay phóng đại 10 lần. Với các thiết bị chuyên dùng tại các phòng giám định đá quý, các chuyên viên có thể xác định được các vi khe nứt và mức độ ảnh hưởng xấu của chúng đối với sản phẩm cẩm thạch.
theo rongvanglab