Phân vùng theo quan hệ
- Dù chỉ có một trệt hay nhiều lầu thì ngôi nhà luôn là một thể thống nhất với 3 phần cơ bản: nền nhà, thân nhà và mái nhà.
- Trong đó phần nền nhà liên quan đến hệ thống công trình ngầm, móng và các lối ra vào chính mang ý nghĩa đối ngoại. Phần mái nhà (mái dốc hay mái bằng, nhiều hay ít mái) là phần kết thúc hình khối, che chở cho nhà trước các tác động khí hậu, trường khí bên ngoài.
- Phần thân nhà (một hay nhiều lầu) là phần cư trú chính mang nhiều tính đối nội. Ba phần này quan hệ với nhau tương tự mối quan hệ Thiên Địa Nhân bổ sung, hỗ trợ cho nhau, không thể xem nhẹ phần nào.
- Khi nhà càng nhiều lầu thì tác động đến phần nền (Địa) càng gia tăng như tải trọng truyền xuống móng, hệ thống cấp và thoát nước, cầu thang, sự thông thoáng… càng nhiều và phức tạp hơn nhà trệt.
- Do đó việc phân vùng Trường Khí trong nhà lầu cần căn cứ theo các mối quan hệ như trên – dưới, trong – ngoài, đối nội – đối ngoại, nặng – nhẹ … trên nguyên tắc càng lên lầu cao càng nên giảm bớt áp lực tập trung người, giảm tải trọng và giảm bớt phức tạp trong quan hệ.
- Cụ thể là những chỗ đông đúc, mang tính động hay đối ngoại nên dành ở tầng dưới (phòng khách, sinh hoạt) để dễ dàng trong sinh hoạt và thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
- Đối với nhu cầu đối nội, riêng tư và tĩnh lặng hơn thì đặt trên lầu sẽ phù hợp
- Trường hợp những nơi tập trung người nhưng mật độ dùng ít, ví dụ phòng thờ hay phòng karaoke thì có thể đặt trên các tầng lầu nhưng cần lưu ý vị trí tại các điểm hành lang thoát hiểm hay sân rộng bên cạnh cũng như không phải đi xuyên qua các không gian khác.
- Một số nhà hay làm kho trên các tầng cao (sân thượng, áp mái) nhưng thực tế chỉ thuận lợi khi nhà có thang máy nâng hàng, nếu không việc chuyển vật dụng lên xuống sẽ không thuận lợi bằng kho đặt dưới tầng thấp (ví dụ nhà có hầm hay nửa hầm thì làm kho dưới hầm cùng với nhà xe là hợp cách).
Phong thủy trong nhà lầu
Xem xét đặc tính Âm Dương
- Càng lên lầu cao thì tính Dương tăng và Âm giảm. Ánh sáng và gió nhiều hơn nên sự che chắn cũng cần phải gia tăng. Điều này liên quan đến mở cửa các lầu và ban công, mái che, tỷ lệ mảng đặc – rỗng … vì không phải các tầng đều làm giống nhau.
- Việc mở cửa to hay nhỏ, nhiều hay ít phụ thuộc vào hướng nhà, hướng của mặt tiếp xúc và nội dung sử dụng bên trong. Ta thấy nhiều ngôi nhà phố lầu có hàng loạt các ban công và cửa trên lầu giống nhau đều xảy ra tình trạng không sử dụng hiệu quả ban công và luôn kéo rèm che kín các cửa lầu.
- Phòng người già vốn nghiêng về tính Âm hơn nên cần đặt ở tầng dưới để tránh nắng gió quá mức và trèo cao mệt mỏi, phòng trẻ em cũng không nên đặt quá cao sẽ không an toàn khi trẻ leo trèo nghịch ngợm và cha mẹ khó kiểm soát. Phù hợp hơn là khi trẻ còn nhỏ nên ở cùng cao độ với phòng của cha mẹ. Vào tuổi thiếu niên thì lên lầu cao là phù hợp (nhi phòng là hành Mộc, tính Dương).
- Xu hướng làm lệch tầng hiện nay cũng giúp cho tầm quan sát bên trong nhà giữa các không gian với nhau được tốt hơn, nhưng cũng cần chú ý về cầu thang để tránh lên xuống phức tạp.
- Phòng thờ tuy có tính Âm nhưng lại nhiều nhang khói, do vậy nếu không đặt trên lầu cao thì phải nằm kề cận giếng trời nhằm thoát khí tốt. Các phòng làm việc, đọc sách (thư phòng) tập thể dục… đều cần nhiều ánh sáng nên đặt trên cao.
- Còn phòng ngủ nếu ở trên lầu thì cần chú ý việc mở cửa để tránh Dương quá thịnh dẫn đến chói chang phải kéo rèm kín mít. Nói chung nhà càng nhiều lầu thì càng nên điều tiết Trường Khí bằng giếng trời để đưa ánh sáng xuống sâu các tầng bên dưới, đồng thời có thể mở cửa cho các phòng trên lầu quay vào giếng trời thay vì chỉ phụ thuộc một mặt ngoài.
|