Tạm hết
Hổ phách có khi được gọi là huyết phách, minh phách, hồng tùng chi, tên khoa học là succinum, là nhựa của các loài cây lá kim đã hóa đá (hóa thạch) từ xa xưa, chủ yếu là nhựa loài thông cổ Pityoxylon succinifer Kauss nay đã tuyệt chủng.
Hổ phách đã giúp các nhà cổ sinh tái tạo cuộc sống trên địa cầu trong các giai đoạn nguyên thủy. Hổ phách được thành tạo từ nhựa cây cách nay hàng triệu năm, chúng hay bao lấy các mẫu côn trùng. Có hơn 1.000 mẫu côn trùng còn nguyên nằm trong hổ phách đã được xác định tên. Ngoài ra, hổ phách còn đóng vai trò chứng tích thời gian, từ thời Đồ Đá hổ phách đã trở nên có giá trị nhờ vẻ đẹp của nó khi nó được dùng làm một trong những đồ trang sức sớm nhất.
Người Hy Lạp gọi hổ phách là electron (điện tử) hoặc là do trời tạo ra, có lẽ vì nó mang điện khi cọ sát với vải và có thể hút các thành phần cực nhỏ. Nicias, một nhà văn cổ, nói hổ phách là do chất hương thơm hay tinh chất của mặt trời lặn tích tụ lại trong đại dương rồi trôi dạt lên bờ biển. Người La Mã đã đưa quân đến chiếm đóng và kiểm soát các vùng sản xuất hổ phách. Nero, hoàng đế La Mã, là người rất sành sỏi về hổ phách. Theo Pliny, nhà sử học La Mã, thì dưới triều đại của Nero, giá của một tượng hổ phách chạm trổ cao hơn giá của một nô lệ khỏe mạnh. Người Đức cổ đốt hổ phách để có hương thơm, do đó họ gọi nó là bernstein hay đá cháy.
Hổ phách không màu được xem là vật liệu tốt nhất dùng làm chuỗi hạt cầu nguyện trong thời Trung Cổ do cảm giác láng mượt của nó. Một số tổ chức của giới hiệp sĩ kiểm soát việc kinh doanh và việc sở hữu trái phép hổ phách nguyên liệu là bất hợp pháp ở hầu hết châu Âu vào năm 1400.
Hổ phách được sử dụng trong nhiều công nghệ. Đông y cổ truyền cho rằng hổ phách có vị ngọt, tính bình vào bốn kinh: tâm, can, phế và bàng quang; có tác dụng an thần, định kinh, lợi tiểu tiện, tán ư huyết; chỉ dành cho người hỏa suy, thủy thịnh. Vì dễ mài giũa và cắt gọt, hổ phách trở thành vật liệu quý đối với ngành thủ công mỹ nghệ: chế biến tẩu thuốc, làm nhiều món trang sức đắt tiền như mặt nhẫn và sợi dây chuyền.
Chất lượng, Giá trị và Tính phổ biến:
Màu hổ phách gồm trắng, vàng, vàng kim, cam và nâu, hiếm gặp có màu xanh, lục và đỏ. Ở Mỹ thích loại hổ phách trong suốt, còn châu Âu lại thích hổ phách mây (đục). Một số hổ phách có màn màu xanh vào ban ngày gây ra bởi bức xạ màu xanh. Hổ phách thường được tạo thành hạt tròn, cabochon hoặc được chạm trổ.
Nguồn gốc:
Hai nguồn cung cấp chính hổ phách trên thị trường là các quốc gia vùng Baltic và Cộng hòa Dominica.
Hổ phách vùng Baltic thì cổ hơn nên được thị trường ưa chuộng, nhưng hổ phách ở Dominica thì lại nhiều xác côn trùng hơn. Trong vùng Baltic, mỏ hổ phách lớn nhất ở tây Kaliningrad thuộc Nga, ngoài ra còn tìm thấy hổ phách ở Lithuania, Estonia, Latvia, Ba Lan và Đức, thỉnh thoảng hổ phách lại trôi dạt vào bờ biển Baltic thuộc Đan Mạch và Na Uy.
Các nguồn hổ phách khác ở các nước như Miến Điện, Liban, đảo Scicily, Mexico, Rumani và Canada.
Xử lý tăng vẻ đẹp thường gặp:
Hổ phách mây có thể được nung nóng trong dầu để trong hơn. Đôi khi nhiệt có thể tạo ra các khe nứt dạng đĩa lý thú gọi là đĩa mặt trời. Nung nóng cũng có thể làm cho màu sậm hơn.
Bảo quản và làm sạch:
Hổ phách là loại đá quý mềm, độ cứng chỉ đạt 2 đến 2,5 trên thang Mohs. Không được cất nó chung với đồ kim hoàn để tránh bị trầy xước. Không bao giờ cho hổ phách tiếp xúc với nhiệt và hóa chất như keo xịt tóc hoặc nước hoa và cũng không nên rửa nó với máy siêu âm. Để làm sạch hổ phách, chỉ cần lau nhẹ nó bằng một miếng vải mềm thấm nước.
Hàng ngàn trang sức đá, đá quý phong thuỷ, vật phẩm phong thuỷ khác đang chờ bạn khám phá tại: thegioidaquy.net